Thực Đơn Tài Chính

Back To Basic: Risk & Reward (Phần 3)

Risk Reward Ratio là yếu tố không thể thiếu trong hệ thống giao dịch của bất kỳ một trader nào. Tuy nhiên Risk Reward Ratio không nhận được quan tâm đúng mức từ những người mới giao dịch. Vậy Risk Reward Ratio là gì?

Risk là rủi ro, Reward là phần thưởng, Ratio là tỷ lệ => Trong trading, Risk Reward Ratio (viết tắt R:R) có nghĩa là tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận.

Risk Reward Ratio là tỷ lệ mà các nhà đầu tư dùng để so sánh lợi nhuận dự kiến của một giao dịch với mức rủi ro mà họ chấp nhận khi thực hiện giao dịch đó. Hay nói cách khác, các nhà đầu tư sẽ biết nếu thắng thì họ được bao nhiêu, nếu thua thì họ mất bao nhiêu.

Cách tính Risk Reward Ratio

Cách tính Risk Reward rất đơn giản:

Xem ví dụ cặp XAUUSD khung D1 sau đây:

Sau khi thị trường tạo đáy mới, đỉnh mới cao hơn đáy cũ, đỉnh cũ, bạn cho rằng thị trường đã chuyển sang xu hướng tăng.

Bạn vẽ được một kênh giá tăng như hình và bạn có chiến lược giao dịch là: BUY tại hỗ trợ của kênh giá, Stop loss dưới đáy gần nhất, Take profit tại kháng cự của kênh giá.

Sau khi tính toán bạn thấy rằng điểm Stop loss cách điểm BUY 220 pip, điểm Take profit cách điểm BUY 550 pip.

Vậy bạn tính được Risk Reward = 220/550 = 1/2.5.

Tóm lại lệnh giao dịch này nếu bạn thua – mất 1 phần, nếu bạn thắng – được 2.5 phần.

Tại sao Risk Reward lại quan trọng?

Một điều cần nhớ: Forex là cờ bạc! Mà đã là cờ bạc thì cần có tỷ lệ ăn thua dương!

Trong 5 trích dẫn hay nhất về đầu tư của huyền thoại George Soros có câu: “Vấn đề không phải là bạn đúng hay sai, mà là bạn kiếm được bao nhiêu khi bạn đúng và bạn mất bao nhiêu khi bạn sai.” Đủ thấy tỷ lệ Risk Reward quan trọng như thế nào phải không?

Giả sử có 2 hệ thống giao dịch. Với quản lý vốn giống nhau ở mức 2% cho mỗi lệnh thua.

Hệ thống A có winrate = 40%, Risk Reward = 1/3 (thua mất 2%, thắng được 6%), mỗi tháng hệ thống A cho trung bình 10 lệnh giao dịch (4 thắng, 6 thua).

=> Lợi nhuận hệ thống A/tháng = 4*6% – 6*2% = 24% – 12% = 12%

Hệ thống B có winrate = 60%, Risk Reward = 1/1 (lệnh thua và thắng đều 2%), mỗi tháng hệ thống B cho trung bình 10 lệnh giao dịch (6 thắng, 4 thua).

= > Lợi nhuận hệ thống B/tháng = 6*2% – 4*2% = 12% – 8% = 4%

So sánh 2 hệ thống giao dịch trên bạn cũng có thể thấy được hệ thống A có winrate thấp hơn hệ thống B (40% so với 60%), nhưng với Risk Reward tốt hơn (1:3 so với 1:1), hệ thống A vẫn tạo ra lợi nhuận tốt hơn hệ thống B.

Vì vậy với winrate không đổi, nếu bạn có thể nâng cao tỷ lệ Risk Reward của hệ thống giao dịch, bạn có thể dành được nhiều lợi nhuận hơn.

Mối quan hệ giữa Risk Reward và Winrate

Risk Reward và winrate là 2 yếu tố quan trọng trong giao dịch Forex và bạn cần CÂN ĐỐI 2 yếu tố này một cách hợp lý.

Thông thường chúng ta chỉ quan tâm đến winrate (xác suất chiến thắng) chứ chúng ta không mấy bận tâm về Risk Reward (tỷ lệ rủi ro/phần thưởng).

Điều này không chỉ xuất hiện ở những người mới tham gia thị trường mà cả những người đã tham gia một vài năm. Bằng chứng đó là LỊCH SỬ GIAO DỊCH của chúng ta! Bạn có thấy rằng history của mình thường xanh lè xanh lét từ đầu tới cuối? Cứ vài chục lệnh xanh mới có 1 lệnh đỏ? Nhưng lệnh đỏ lại bằng cả trăm lệnh xanh cộng lại? … Đây là thực trạng chung!

Tôi không có ý chê trách hay coi thường bạn nếu bạn đang trong thực trạng đó. Tôi muốn trước tiên bạn thừa nhận nó, sau đó mới tìm cách sửa nó. Tất nhiên việc sửa nó không hề dễ dàng, nếu không muốn nói cần rất nhiều thời gian và công sức. Tôi ở đây để giúp bạn!

Quay trở lại vấn đề. Chúng ta thường có tâm lý “có lãi rồi, chốt cái đã, tiền trong túi mình mới là của mình…”. Khi bạn chốt non 1 lệnh chỉ vài pip, bạn có biết rằng rủi ro của lệnh đó là mấy chục pip hay là mấy trăm pip không?

Bạn có thể thoát được rủi ro đó khi đã chốt non 1 lệnh, nhưng bạn sẽ không thể thoát được rủi ro của MỘT CHUỖI LỆNH. Tức là bạn có thể chốt non 9 lệnh, mỗi lệnh được vài pip. Đến lệnh thứ 10, bạn gồng lỗ đến cháy cả tài khoản, nếu may mắn hơn thì bạn có thể chỉ mất phần lợi nhuận của 9 lệnh thôi.

Điều này rất thực tế phải không? Tôi đã từng như vậy! Chúng ta đều từng như vậy!

Winrate và Risk Reward rất đối lập với nhau. Bạn muốn winrate cao thì thường Risk Reward sẽ thấp, và ngược lại bạn muốn Risk Reward tốt thì winrate sẽ giảm đi.

Việc cần làm là tìm và giữ một vị trí hợp lý giữa Risk Reward và winrate.

Thông thường bạn sẽ nghĩ rằng tỷ lệ lệnh lời và lỗ của bạn về lâu dài (theo một cách tự nhiên) sẽ đi về cột mốc 50%, nó biểu hiện cho việc bạn chỉ cần chọn giá lên hoặc xuống kể từ một thời điểm nào đó.

Với Winrate 50%, bạn sẽ chỉ có thể có lợi nhuận khi Risk Reward của bạn lớn hơn (tốt hơn) 1:1. Bằng không, về lâu dài, bạn sẽ thua lỗ.

Hẳn bạn cũng đã từng nghe câu nói nổi tiếng của huyền thoại đầu tư Peter Lynch:

Để bạn cảm thấy thuyết phục hơn về mốc winrate 50%, tôi sẽ cho bạn thêm 1 dẫn chứng nữa.

Bạn đã từng nghe đến cái tên Peter L. Brandt chưa?

Peter L. Brandt là một trader chuyên nghiệp được xem là nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. Ông đã duy trì mức lợi nhuận 40%/năm ổn định qua hàng chục năm giao dịch.

Và ông đã từng chia sẻ trên Twitter cá nhân của mình rằng: Trong suốt sự nghiệp trading, tỷ lệ Winrate của ông dưới 50%.

Điều đó để thấy rằng, ngay đến một trader chuyên nghiệp với trình độ thượng thừa như Peter L. Brandt, về lâu dài, cũng chỉ duy trì tỷ lệ Winrate quanh cột mốc 50%.

Winrate cao là tốt (đương nhiên), nhưng thay vì tìm cách để gia tăng tỷ lệ winrate, thì lời khuyên dành cho bạn là: Hãy tìm cách nâng cao tỷ lệ Risk Reward (như cách mà Peter L. Brandt và phần lớn các trader chuyên nghiệp khác đang làm).

Risk Reward của trader chuyên nghiệp là bao nhiêu?

Đối với một trader chuyên nghiệp, tỷ lệ Risk Reward đóng vai trò vô cùng lớn. Risk Reward giúp trader chuyên nghiệp quản lý rủi ro của mình một cách khoa học nhất và có lợi ích về dài hạn.

Tại sao lại dài hạn? Vậy trong ngắn hạn?

Phân tích kỹ thuật là cuộc chơi của xác suất. Việc của chúng ta là tìm các điểm lợi thế sao cho xác suất lớn hơn nghiêng về mình.

Nếu bạn vừa chốt non lệnh Buy khi còn cách điểm TP rất xa, sau khi chốt bạn thấy giá quay đầu, bạn cho rằng bạn đã làm việc đúng đắn phải không? Tôi không nghĩ vậy! Lệnh mà bạn chốt lãi non đang mang sau mình một rủi ro lớn hơn số lãi bạn vừa chốt gấp nhiều lần.

Nếu bạn đã đặt SL, TP cho lệnh của mình nhưng thường xuyên phải chốt sớm, thì việc của bạn là điều chỉnh lại hệ thống giao dịch của mình.

Nếu giá sắp chạm đến SL mà bạn muốn dời SL, thì bỏ cái ý nghĩ đó đi!

Nếu giá chưa chạm TP nhưng bạn muốn chốt non, hãy điều chỉnh hệ thống cho điểm TP gần lại đến vị trí mà bạn sẵn sàng nuôi đến.

Thực sự không có các thống kê chính thống nào về tỷ lệ Risk Reward của các trader chuyên nghiệp. Nhưng có một điều tôi quan sát được, các trader kiếm được lợi nhuận lâu dài và ổn định trên thị trường thường có Risk Reward tối thiểu 1:1, trong đó thông thường trong khoảng 1:2 đến 1:3.

Bạn hãy mở lịch sử giao dịch của mình xem tỷ lệ Risk Reward của mình khoảng bao nhiêu? Nếu tỷ lệ Risk Reward của bạn dưới 1:1, tôi nghĩ bạn nên tìm cách tăng nó lên.

Vậy làm cách nào có thể tăng tỷ lệ Risk Reward của hệ thống giao dịch?

#1. Tối ưu chiến lược giao dịch

Chiến lược giao dịch chính là thứ quyết định nên tỷ lệ Risk Reward.

Risk Reward là tỷ lệ được tính toán dựa trên điểm chốt lỗ dự định (Stop loss) và điểm chốt lời dự định (Take profit) trong một chiến lược giao dịch. Vì thế tỷ lệ Risk Reward không phải tự sinh ra, mà trong từng trường hợp cụ thể, nó PHẢI NHƯ VẬY.

Giả sử chiến lược giao dịch của bạn là BUY ở hỗ trợ, Stop loss dưới hỗ trợ 1 đoạn, Take profit ở kháng cự gần nhất.

Đại khái là như vậy:

Sau khi xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự quanh giá hiện tại, bạn nhận thấy giá giảm về vùng hỗ trợ và phản ứng, nến H4 đóng cửa tăng giá với đuôi dưới rất dài.

Bạn quyết định vào lệnh BUY khi nến H4 đóng cửa, Stop loss dưới bóng nến H4 1 đoạn, Take profit trên vùng kháng cự như hình. Bạn đo được SL = -60 pip, TP = +180 pip, từ đó Risk Reward của lệnh này là 1:3.

Risk Reward của lệnh này đến từ việc lấy tỷ lệ SL và TP chứ không phải chọn một mức SL nào đó rồi chọn điểm TP sao cho TP = 3SL (đây là lỗi sai rất phổ biến khi chúng ta sử dụng Risk Reward).

Nếu chiến lược của bạn thường không có tỷ lệ Risk Reward tốt, HÃY NÂNG CẤP NÓ bằng cách:

  • Tối ưu điểm vào lệnh: lệnh giao dịch là BUY trên khung H4, có thể “tiết kiệm một ít tỷ lệ RR” bằng cách vào H1 chờ giảm thêm 1 chút mới vào lệnh…
  • Tối ưu điểm chốt lỗ: lệnh BUY này chỉ cần đặt SL ngay dưới đuôi cây nến Doji này thôi, không cần phải cách hỗ trợ xa quá…
  • Tối ưu điểm chốt lời: giá hay vọt qua kháng cự này để lên cái vùng kênh giá, từ giờ sẽ đặt TP ở kênh giá thay vì đặt ở vùng kháng cự…

Để tối ưu chiến lược giao dịch, bạn có thể tự test, rút kinh nghiệm hoặc tìm các bài chia sẻ kinh nghiệm đối với các công cụ kỹ thuật mà bạn đang sử dụng, thậm chí bạn có thể “học theo” chiến lược giao dịch của ai đó và tiếp tục tối ưu, mài dũa nó…

#2. Đặt điều kiện cho Risk Reward

Sau khi có một chiến lược giao dịch cho riêng mình, bạn nhận ra chiến lược giao dịch của mình không có tỷ lệ Risk Reward ổn định, “cũng cách đánh như thế này mà RR lúc thì 1:3 lúc thì 1:2, có lúc chỉ có 1:1?” …

Để nâng cao tỷ lệ Risk Reward, rất đơn giản, bạn chỉ cần lựa chọn các lệnh giao dịch có tỷ lệ Risk Reward cao, bỏ qua các cơ hội có Risk Reward thấp.

Giả sử chiến lược giao dịch của bạn là: vào lệnh khi giá breakout kênh giá, SL tại đỉnh/đáy gần nhất, TP tại đỉnh/đáy kênh giá.

Hãy xem ví dụ đầu tiên:

Bước 1: Sau khi xem xét đủ điều kiện vào lệnh BUY GBPUSD H4 theo chiến lược giao dịch, bạn đánh dấu điểm vào, Stop loss, Take profit như trên hình.

Bước 2: Đo khoảng cách Stop loss và Take profit bạn thấy SL = -141 pip, TP = +287 pip => Risk Reward ~ 1:2

Ví dụ thứ hai:

Bước 1: Sau khi xem xét đủ điều kiện vào lệnh SELL XAUUSD H4 theo chiến lược giao dịch trên, bạn đánh dấu điểm vào, Stop loss, Take profit như trên hình.

Bước 2: Đo khoảng cách Stop loss và Take profit bạn thấy SL = -195 pip, TP = +210 pip => Risk Reward ~ 1:1.

Vậy để có tỷ lệ Risk Reward tốt hơn, bạn đơn giản chỉ cần thêm điều kiện mức RR tối thiểu trong hệ thống giao dịch của mình.

Nếu bạn chọn RR tối thiểu 1:1, cả 2 chiến lược trên đều có thể vào lệnh.

Nếu bạn chọn RR tối thiểu 1:2, bạn chỉ vào lệnh ở chiến lược đầu tiên, bỏ qua chiến lược sau cho dù bạn có thấy “kèo thơm” như thế nào.

#3. Kỷ luật với việc cắt lời và chốt lỗ

Kỷ luật là điều vô cùng khó khăn trong toàn bộ quá trình giao dịch chứ không riêng gì việc chốt lời, chốt lỗ, nhồi lệnh, gấp lệnh hay vào lệnh bừa bãi khi không có điều kiện thuận lợi…

Trở lại vấn đề, khi bạn đã có chiến lược giao dịch hoạt động tốt, bạn cũng đã lựa chọn những lệnh tuân thủ tỷ lệ RR tối thiểu để vào lệnh. Nhưng đến khi vào lệnh xong bạn lại … ngứa tay chốt sớm.

Việc kỷ luật tuyệt đối với việc chốt lỗ và chốt lời đôi khi mang lại những tiếc nuối: “giá như dời SL thêm 1 đoạn thì …”, “giá như chốt sớm ăn ít thì …”, ..bla..bla

Theo quan điểm của tôi, RẤT ÍT TRƯỜNG HỢP chúng ta cần can thiệp vào lệnh trước khi chạm SL hoặc TP. Nếu bạn thấy nhiều lần giá chạm SL rồi quay lại đúng xu hướng hay giá thường chỉ gần tới TP là quay đầu, điều bạn cần làm đó là ĐIỀU CHỈNH LẠI HỆ THỐNG GIAO DỊCH.

Back To Basic: Phân Tích Kỹ Thuật Nguyên Thuỷ – Lý Thuyết Dow (Phần 1)

Back To Basic: Phân Tích Kỹ Thuật Nguyên Thuỷ – Trendline (Phần 2)

Đỗ Anh Tuấn

Add comment

error: Content is protected !!