Thực Đơn Tài Chính

Bảo Hiểm Nhân Thọ Giúp Chúng Ta Giàu Hơn???

Có một nghịch lý trong xã hội Việt Nam hiện nay, những người giàu tham gia bảo hiểm nhân thọ rất nhiều còn người nghèo thì nghĩ nó không cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta đều phải công nhận rằng, bảo hiểm thực sự cần cho người nghèo nhiều hơn. Bởi vì thu nhập của đối tượng này hầu như chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt hằng ngày, người nghèo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chẳng may phải hứng chịu những tai ương bất ngờ “từ trên trời rơi xuống”. Đó là lý do tại sao người giàu lại càng giàu hơn và người nghèo lại càng nghèo đi

Quan điểm khác nhau về bảo hiểm nhân thọ

Mỗi đối tượng đang có cách nhìn nhận về bảo hiểm nhân thọ theo những góc độ khác nhau. Trong khi người giàu quan tâm nhiều đến quyền lợi, giá trị bảo hiểm thì người nghèo lại chú ý đến lãi suất, số tiền nhận về lúc đáo hạn hợp đồng.

Người giàu họ hiểu rằng bảo hiểm đơn thuần chỉ là một phương án bảo vệ, để khi có những rủi ro về sức khoẻ thì bảo hiểm là khoản để chi trả cho việc điều trị mà không anh hưởng đến tài sản hiện tại . Còn nếu chẳng may gặp chuyện thì đã có cái dự phòng, hỗ trợ tài chính cho gia đình; còn việc đầu tư thì đã có các hình thức khác: kinh doanh, bất động sản, cổ phiếu… với mức độ sinh lời cao hơn vẫn tiếp tục hoạt động mà chẳng phải quan tâm bán cái gì để lo cho cuộc sống nữa. Người giàu thường suy nghĩ theo cách nhìn dài hạn, họ thường lên kế hoạch sẵn cho cuộc đời của mình. Làm việc đến bao nhiêu tuổi? Con cái lớn lên sẽ đi du học nước nào? Nghỉ hưu thì làm gì? Đi du lịch ở đâu? Do đó ngay từ đầu, bảo hiểm nhân thọ đã là điều vô cùng cần thiết đối với những người giàu. Bởi phải có một phương án dự phòng rủi ro mới chắc chắn bảo vệ được những thành quả mà họ đã chuẩn bị bấy lâu, những kế hoạch trong tương lai mới được thực hiện theo đúng lộ trình.

Còn người nghèo đang nghĩ gì? “Tháng này đang chưa có tiền đóng học phí cho con”, “Lại chuẩn bị đóng tiền thuê nhà, tiền điện nước”, “Cuối tháng hết tiền thì ăn gì?”. Nỗi lo về cơm áo gạo tiền trước mắt khiến cho người nghèo không còn thời gian và tâm trí lo cho tương lai của gia đình mình. Mặt khác, người nghèo đang quan niệm bảo hiểm nhân thọ chỉ như một khoản tích lũy, tiết kiệm. Bây giờ ăn còn chưa đủ thì gửi tiền tiết kiệm để làm gì, có tiền thì thà để ngân hàng lấy chút lãi, rút cho linh hoạt. Do đó mà người nghèo ít quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ hơn.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe phụ thuộc thu nhập

Thu nhập càng cao thì con người càng chăm lo đời sống cũng như sức khỏe của mình hơn. Khi có dấu hiệu bất thường đối với sức khỏe, người giàu thường đến ngay các bệnh viện uy tín để kiểm tra y tế nhằm phát hiện bệnh lý và điều trị kịp thời. Nhu cầu khám chữa bệnh với chất lượng cao của người có tiền khiến cho các cơ sở y tế công lập phải mở ra nhiều các phòng khám dịch vụ, các bệnh viện tư nhân tiêu chuẩn quốc tế cũng từ đó ra đời, tuy nhiên chi phí đi kèm cũng đắt đỏ hơn nhiều so với các dịch vụ thông thường. Cũng bởi thế mà giờ đây, ngoài các yếu tố về sinh mạng, bệnh hiểm nghèo, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ còn hỗ trợ thêm quyền lợi chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu chi phí điều trị y tế nội trú, ngoại trú cho người bệnh. Dòng sản phẩm này hiện chiếm được đông đảo sự ưu thích và là lựa chọn hàng đầu của các gia đình có điều kiện.

Trong khi đó, người nghèo rất sợ đi viện, khi có ốm đau họ thường tìm cách chữa bệnh bằng cách đi ra tiệm thuốc mua vài liều điều trị. Một phần vì sợ tốn kém chi phí chữa trị, phần khác, bệnh nhân thường sợ đến bệnh viện nếu chẳng may xét nghiệm, chụp chiếu phát hiện ra có bệnh lý hiểm nghèo, lúc đó lấy đâu ra tiền để chạy chữa. Phần lớn người nghèo tìm cách lẩn trốn với bệnh tật, hậu quả là các bệnh hiểm nghèo thường được phát hiện quá chậm trễ. Cuối cùng là dẫn tới chi phí điều trị rất tốn kém hoặc là vô phương cứu chữa.

Bệnh tật đến với con người phụ thuộc nhiều từ chế độ ăn uống, sinh hoạt, môi trường sống, chế độ tập luyện cơ thể, tuổi tác… chứ không phải đến từ niềm tin “tôi khỏe mạnh và không có bệnh” của con người. Người giàu chọn cách đối diện với bệnh tật để tìm hướng điều trị kịp thời, còn người nghèo thì đang có tâm lý sợ bệnh, thờ ơ với sức khỏe của mình. Đây cũng là lý do mà người giàu quan tâm nhiều đến bảo hiểm nhân thọ hơn.

Trở ngại tham gia bảo hiểm nhân thọ

Trở ngại kinh tế:

Với điều kiện sống chất lượng ngày càng cao của người giàu, họ sẵn sàng chi một phần tiền để tham gia các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Đối với họ, khoản tiền này không đáng bao nhiêu so với thu nhập kiếm được khi còn khỏe mạnh. Người nghèo thì khác, thu nhập của họ chỉ đủ cho sinh hoạt qua ngày, cùng lắm thì có thêm một khoản tiết kiệm nho nhỏ gửi ngân hàng. Việc phải bỏ tiền ra hàng năm đều đặn tham gia bảo hiểm là một điều cần phải cân nhắc kỹ. Nếu cân đối chi tiêu không khéo léo thì phí đóng bảo hiểm có thể sẽ trở thành gánh nặng cho người nghèo trong những năm về sau.

Trở ngại địa lý:

Người giàu thường sống ở trung tâm các đô thị có hạ tầng tốt, gần các cơ sở y tế có chất lượng cao. Việc thăm khám sức khỏe là điều thường xuyên xảy ra: khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh ngay từ lúc cơ thể có dấu hiệu bất thường…. Họ dần nhận thức được rằng, cần có một biện pháp để giảm thiểu các chi phí đắt đỏ cho việc chữa trị tại đây hoặc là một cách để tạo khác biệt đẳng cấp với phần còn lại. Ví dụ như đến bệnh viện chỉ cần xuất trình thẻ chăm sóc sức khỏe của công ty bảo hiểm và tận hưởng toàn bộ dịch vụ y tế 5 sao, còn việc thanh toán chi phí điều trị là để bệnh viện và công ty bảo hiểm làm việc với nhau. Người nghèo thì thường sống ở vùng nông thôn hoặc xa trung tâm thành phố, đây là trở ngại để họ tiếp cận nhiều với các bệnh viện có chất lượng tốt, việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng không thường xuyên được quan tâm. Vì vậy, sự nhận thức về bảo hiểm nhân thọ của đối tượng này cũng giảm sút rõ rệt.

Trở ngại thông tin:

Có thể khẳng định rằng, người giàu tiếp cận thông tin tốt hơn người nghèo rất nhiều. Phần lớn người giàu thường là những người làm kinh doanh, người có trí thức cao, với mối quan hệ rộng rãi thì việc tiếp nhận kiến thức bảo hiểm dễ dàng hơn. Họ có chính kiến, biết đánh giá cái nào là đúng, cái nào là sai, người tư vấn chuyên nghiệp hay là kẻ bán bảo hiểm “dỏm”. Từ đó họ lựa chọn được cho mình những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tốt, phù hợp nhất với chính gia đình họ.

Còn người nghèo thì khác, việc tiếp cận về bảo hiểm nhân thọ còn rất nhiều hạn chế. Họ thường nghe những lời đồn thổi từ dư luận để đưa ra quyết định cho hành động của mình. Điển hình như ở những vùng thôn quê, nhiều gia đình khi tham gia bảo hiểm nhân thọ được một thời gian. Hàng xóm ngồi uống nước nói chuyện với nhau, người này người khác kháo nhau về một thông tin không được kiểm chứng: “Tôi thấy vụ kiện cáo của khách hàng đối với công ty bảo hiểm nọ. Khách hàng này bị lừa, có đăng thông tin lên mạng”. Thế là cả xóm hoang mang, rủ nhau đi rút tiền bảo hiểm trước hạn. Hậu quả là quyền lợi chẳng được bảo vệ mà tiền rút về cũng không đáng là bao, nhưng thà thế còn hơn mất trắng. Sau này ngớ ra mới biết đó là tin đồn sai sự thật đã được các tờ báo chính thống đính chính lại. Những trở ngại về thông tin là điều khiến người nghèo lo sợ, không dám “mạo hiểm” tham gia bảo hiểm. Bởi vì họ nghĩ rằng, thà giữ tiền bên mình còn hơn, đưa tiền cho người khác biết có lấy về được không?

Sự cấp bách tham gia bảo hiểm nhân thọ của người nghèo

Rõ ràng, đối với người nghèo thì tham gia bảo hiểm nhân thọ là vô cùng cần thiết và cấp bách hơn người giàu rất nhiều. Kế hoạch tài chính của người giàu ngoài chi phí sinh hoạt còn phân chia ra các khoản tiết kiệm và đầu tư. Do đó, dù không có cho mình một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, họ vẫn còn nhiều quỹ tài chính hoặc tài sản khác để hỗ trợ nếu chẳng may gặp chuyện chẳng lành. Việc tham gia bảo hiểm của người giàu thực chất là để đảm bảo: dù có bất kỳ rủi ro nào xảy ra thì những kế hoạch tiết kiệm, đầu tư của họ vẫn không bị ảnh hưởng. Người nghèo thì khác, hầu như họ không có bất kỳ khoản dự phòng tài chính nào. Phần đông người nghèo không có bảo hiểm nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo đều buông xuôi việc chạy chữa. Bởi vì khi đã nghèo thì tiết kiệm không có, vay mượn thì không chắc đã có người giúp đỡ, có vay được thì cũng gây nên gánh nặng cho gia đình về sau. Cuối cùng, họ đành phó mặc cho số phận quyết định, chỉ khổ cho tương lai của những người còn lại là con cái còn nhỏ, cha mẹ già yếu hay là người vợ, người chồng của mình.

Cho nên, người nghèo cần phải thay đổi quan điểm của mình về bảo hiểm nhân thọ. Tham gia bảo hiểm không phải chỉ là vì bản thân mình mà là trách nhiệm của những người trụ cột đối với các thành viên trong gia đình.

Thông điệp gửi đến những ai muốn giàu

Nghịch lý bảo hiểm nhân thọ: “Người giàu muốn tham gia, người nghèo nghĩ không cần” xảy ra do nhiều nguyên nhân:

  • Quan điểm khác nhau về bảo hiểm nhân thọ: người giàu coi đó là một phương án bảo vệ, dự phòng tài chính. Người nghèo coi đó là một khoản tích lũy, ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền để tiết kiệm.
  • Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người giàu cao hơn nên ý thức tham gia bảo hiểm của họ cũng tốt hơn.
  • Trở ngại tham gia bảo hiểm nhân thọ về: kinh tế, địa lý, thông tin khiến người nghèo khó tiếp cận hoặc nghĩ mình không cần tới bảo hiểm nhân thọ.

Tầng lớp người nghèo với khả năng kinh tế ít ỏi thực sự cần đến bảo hiểm nhân thọ nhất để bảo vệ tương lai của chính họ và gia đình nhưng thực tế họ vẫn rất thờ ơ đối với hình thức dự phòng rủi ro này. Phải làm sao để mọi người hiểu đúng, hiểu đủ về bảo hiểm, đó không chỉ là trách nhiệm của chính phủ và cơ quan truyền thông mà còn là câu chuyện của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tạo được lòng tin đối với người tham gia. Giải quyết bài toán về “Sự từ chối bảo hiểm nhân thọ của người nghèo” vẫn phải cần rất nhiều thời gian để thay đổi nhận thức cũng như điều kiện kinh tế của người dân.

Đỗ Anh Tuấn

Add comment

error: Content is protected !!