Thực Đơn Tài Chính

Bảo Hiểm Nhân Thọ Là Gì?

1. Bảo hiểm nhân thọ là gì?

Theo Khoản 1 – Điều 12 – Luật kinh doanh bảo hiểm về khái niệm bảo hiểm nhân thọ là gì: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.:

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm được công ty bảo hiểm cung cấp nhằm bảo vệ người tham gia bảo hiểm trước rủi ro về sức khỏe, tính mạng bằng cách chi trả, bồi thường khi các sự kiện liên quan bảo hiểm xảy ra.

Trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm phát triển nhất bên cạnh bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm phi nhân thọ bởi ngoài yếu tố bảo hiểm, loại hình bảo hiểm này còn giúp khách hàng tiết kiệm, tích lũy và tăng trưởng tiền bạc trung hạn và dài hạn.

Bảo hiểm nhân thọ là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa 02 bên: Khách hàng (Bên mua Bảo hiểm) và Doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ quy định:

  • Quyền lợi khách hàng được hưởng đó là hỗ trợ nằm viện, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thẻ bảo hiểm sức khỏe, các quyền lợi miễn đóng phí và quyền lợi tử vong sẽ chi trả bao nhiêu tiền? Được bảo hiểm trong bao nhiêu năm?
  • Số tiền phí bảo hiểm khách hàng cần đóng mỗi năm/ nửa năm/ quý/ tháng và thời gian đóng phí (ví dụ 12 năm, 15 năm, 20 năm…)
  • Điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bao gồm: giải thích các thuật ngữ, các trường hợp bảo hiểm chi trả, các trường hợp bảo hiểm từ chối chi trả…

Bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam được phân phối thông qua 3 kênh chủ yếu, đó là hệ thống Agent (Đại lý bảo hiểm), Bancassurance (Phân phối qua Ngân hàng) và Online (khách hàng đăng ký trực tiếp trên website).

Vai trò của những người Agent (Đại lý bảo hiểm) hoặc Bancassurance (Phân phối qua ngân hàng) đóng vai trò cầu nối tư vấn và xúc tiến hợp đồng giữa khách hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ chứ không chịu trách nhiệm sẽ đền bù các quyền lợi trong hợp đồng khi rủi ro phát sinh.

Do đó, bản chất của bảo hiểm nhân thọ chính là: Khách hàng ký hợp đồng với công ty bảo hiểm & công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ là bên trực tiếp chịu trách nhiệm chi trả mọi quyền lợi có trong hợp đồng.

Có nhiều quyền lợi có trong một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, và đây là những quyền lợi phổ biến:

  1. Quyền lợi trợ cấp nằm viện: Khách hàng phải nằm viện qua đêm, sau khi xuất viện khách hàng sẽ được công ty bảo hiểm nhân thọ trả tiền hỗ trợ nằm viện qua đêm, bằng đúng số đêm phải điều trị tại bệnh viện ghi trên Giấy ra viện.
  2. Quyền lợi bảo hiểm tai nạn: Khách hàng được công ty bảo hiểm chi trả khi thương tật hoặc tử vong do tai nạn giao thông; tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn lao động.
  3. Quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo: Khách hàng được công ty bảo hiểm chi trả số tiền lớn khi mắc phải Ung thư hoặc các bệnh lý nghiêm trọng (mỗi công ty có danh sách bệnh khác nhau).
  4. Thẻ bảo hiểm sức khỏe: Các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể bán kèm thẻ bảo hiểm sức khỏe đi kèm các hợp đồng bảo hiểm, giúp khách hàng có thêm quyền lợi chi trả các chi phí điều trị, phẫu thuật, tiền thuốc men khi phải điều trị tại bệnh viện, quyền lợi này khách hàng sẽ được chi trả song song với quyền lợi Trợ cấp nằm viện (nếu có mua)
  5. Các quyền lợi miễn đóng phí: Giúp khách hàng có thể lựa chọn để đảm bảo phí của hợp đồng bảo hiểm luôn được đóng mỗi năm ngay cả khi Bên mua bảo hiểm hoặc Người được bảo hiểm gặp những rủi ro lớn như Bệnh hiểm nghèo, Thương tật, Tử vong.
  6. Quyền lợi tử vong: Đây là quyền lợi quan trọng nhất trong mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Quyền lợi này sẽ chi trả khi khách hàng chết trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, khách hàng sẽ luôn có một giá trị bảo hiểm cho sinh mạng của mình, từ đó an tâm trước những biến cố trong cuộc đời, đảm bảo cuộc sống cho những người phụ thuộc.

Có 3 dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, đó là:

  • Truyền thống: Khách hàng có những quyền lợi và mức đóng ở mức vừa phải, tiền thu được chủ yếu đầu tư vào Trái phiếu chính phủ và Trái phiếu doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh.
  • Liên kết chung (UL): Khách hàng được quyền lựa chọn, thiết kế các sản phẩm cho riêng mình để phù hợp nhu cầu tài chính. Và đặc biệt, Quyền lợi linh hoạt đóng phí giúp khách hàng luôn chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng phí với khách hàng.
  • Liên kết đơn vị (RPVL): Khách hàng có mong muốn đầu tư và chấp nhận được rủi ro sẽ lựa chọn sản phẩm này, công ty bảo hiểm sẽ dùng tiền để đầu tư thông qua Quỹ mở, những khách hàng tham gia ngoài lợi ích đầu tư tăng trưởng tiền bạc mạnh mẽ còn được mua kèm các quyền lợi bảo hiểm cực hấp dẫn.

Mỗi dòng sản phẩm đều có những ưu/ khuyết điểm khác nhau, vì vậy bạn cần tìm hiểu kĩ càng để có đầy đủ thông tin so sánh.

 

2. Bảo hiểm nhân thọ ra đời khi nào? Ở Việt Nam có khác nước ngoài?

Trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ đã ra đời và tồn tại gần 400 năm nay, xuất phát từ Vương Quốc Anh, sau đó phát triển rầm rộ ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, nổi bật tại các quốc gia phát triển thì ngành bảo hiểm nhân thọ ở đây phát triển rực rỡ, đóng góp trung bình vào 10% GDP của mỗi quốc gia.

Với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì bảo hiểm nhân thọ mới chỉ có được 20 năm, một con số quá ít ỏi nếu so với các nước khác trên thế giới. Đó là lý do mà các chuyên gia trên thế giới đánh giá mức độ hiểu biết của người Việt về bảo hiểm nhân thọ chỉ ở mức “cơ bản”..

Với chính sách mở cửa của Nhà nước, Việt Nam trở thành nơi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài trên toàn thế giới và bảo hiểm nhân thọ cũng không phải ngoại lệ, minh chứng là 18/19 công ty bảo hiểm nhân thọ được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hiện nay đều có vốn của nước ngoài, điều đó giúp cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu của khách hàng.

Khách hàng tại Việt Nam hiện tại được sử dụng những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới nhấttốt nhất trên thế giới thông qua các công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn nước ngoài.

Bảo hiểm Nhân thọ Việt Nam khác gì so với nước ngoài?

Nếu nói về công ty bảo hiểm: Thì không có gì khác nhau, bởi các tập đoàn bảo hiểm đều mang tính toàn cầu, nghĩa là đồng nhất quy trình, cách làm việc, sản phẩm và chế độ chăm sóc khách hàng…

Nếu nói về khách hàng: Rõ ràng khách hàng Việt Nam không thể hiểu biết về bảo hiểm bằng người nước ngoài, người nước ngoài không sợ bảo hiểm lừa đảo, đa cấp nhưng người Việt thì có.

Người nước ngoài họ coi việc mua bảo hiểm nhân thọ là công việc cần làm đầu tiên khi lập kế hoạch tài chính, họ quan tâm đến giá trị đền bù của bảo hiểm trong khi người Việt luôn nghĩ BHNT là thứ “không cần thiết”, và nếu có quan tâm, họ sẽ để ý nhiều hơn đến khoản “sinh lời” thay vì “bảo hiểm”.

Nếu so sánh về chất lượng Đại lý bảo hiểm: Trình độ, Chuyên môn của tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ tại Mỹ, Hong Kong,… rõ ràng là cao hơn Trình độ của Đại lý bảo hiểm tại Việt Nam “vài bậc”.

Càng ở những quốc gia phát triển, khách hàng càng hiểu biết và yêu cầu cao hơn ở chất lượng tư vấn, điều đó yêu cầu tư vấn viên phải liên tục nâng cao hiểu biết và chuyên môn không chỉ ở lĩnh vực bảo hiểm mà còn ở nhiều lĩnh vực khác: tài chính, thuế, chứng khoán, đầu tư…

Còn tại Việt Nam, chỉ cần Tư vấn viên bảo hiểm biết cách phân tích nhu cầu tài chính ở mức cơ bản & trình bày đúng quyền lợi bảo hiểm thì hợp đồng đã có thể được ký kết.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn quá tiềm năng khi có tới 91% dân số chưa có bảo hiểm nhân thọ, trong khi con số này tại Mỹ, Hongkong, Singapore lần lượt chỉ là: 28%, 22%, 10%.

Cho nên, không thể yêu cầu một sớm một chiều để BHNT tại Việt Nam có thể trở thành sự ưu tiên hàng đầu của người dân chúng ta, nhưng chúng ta có thể nhìn vào tương lai tươi sáng của BHNT phía trước, khi mà thu nhập, nhận thức và mức độ hiểu biết của người dân tăng lên thì đó chính là lúc bảo hiểm nhân thọ sẽ phát triển.

Ở các quốc gia có ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển trên thế giới, các sản phẩm bảo hiểm Truyền thống & sản phẩm bảo hiểm Liên kết chung (UL) khách hàng có thể tự lựa chọn các quyền lợi cho các sản phẩm này mà không cần tới tư vấn viên, người tư vấn bảo hiểm sẽ đóng vai trì hoạch định tài chính & tư vấn các giải pháp liên quan tới Bảo vệ tài chính, Quỹ hưu trí, Quỹ giáo dục, Quỹ tích lũy, và họ sẽ thiên về tư vấn sản phẩm Liên kết đơn vị (sản phẩm đầu tư nhiều hơn)

Một số con số thống kê để bạn có thể dễ dàng so sánh, đó là Tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ ở một số quốc gia:

  • Nhật Bản380% (trung bình 1 người sở hữu 3,8 hợp đồng bảo hiểm)
  • Đài Loan: 230% (trung bình 1 người sở hữu 2,3 hợp đồng bảo hiểm)
  • Hàn Quốc: 163% (trung bình 1 người sở hữu 1,6 hợp đồng bảo hiểm)
  • Mỹ: 92% (trung bình 100 thì có 92 người đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ)
  • Việt Nam: 9% – còn 91% dân số chưa có hợp đồng bảo hiểm

 

Đỗ Anh Tuấn

Add comment

error: Content is protected !!