Thực Đơn Tài Chính
Tin Tức Thị Trường

Tin Tức Thị Trường Ngày 30/07/2020

» Thị trường Việt Nam: Xuất hiện ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội và TP HCM, VN-Index chịu áp lực giảm sâu

Diễn biến lạc quan trong phiên trước đã chuyển biến ngược chiều hoàn toàn trong phiên hôm nay bởi tác động của thông tin từ dịch Covid-19. Thông tin về 3 ca nghi nhiễm xuất hiện tại TP HCM và Hà Nội đã làm NĐT hạ nhanh giá bán ngay đầu phiên, VN-Index mở cửa tại vùng 800, giảm hơn 13 điểm so với phiên trước. Tiếp tục biến động theo hướng tiêu cực, VN-Index chạm mức thấp nhất trong ngày tại 779, ghi nhận mức giảm 34 điểm. Tuy nhiên thị trường đã có diễn biến hồi phục khá tốt, hơn 10 điểm từ mức thấp nhất và chốt phiên tại 790,84, giảm 22,52 điểm (-2,77%). Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục đạt mức cao với hơn 6.500 tỷ đồng được giao dịch.

So với phiên giảm đầu tuần khi thông tin dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, thị trường hôm nay có diễn biến tích cực hơn khi cổ phiếu đã không đồng loạt giảm sàn như phiên trước. Trong biến cố chung của toàn thị trường, xuất hiện nhiều điểm sáng như SZC, VIP tăng trần với thông tin khả quan từ KQKD, nhóm VN30 cũng có EIB tăng trần và chỉ ROS giảm sàn. Các bluechips khác cũng có sự thu hẹp mức giảm so với phiên sáng = như VCB giảm còn 1,3% xuống 77.500 đồng/cp, TCB giảm 3,2%, VPB giảm 3,6%, HPG giảm 2,9%.

Khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị đạt gần 310 tỷ đồng. KDC là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với giá trị 124 tỷ đồng, tiếp đó là FUEVFVND được mua ròng 47 tỷ đồng, VCB được mua ròng 35 tỷ đồng… Trong khi đó HPG đứng đầu danh sách bán ròng với giá trị 32,8 tỷ đồng.

Trở lại trạng thái giảm điểm sau phiên tăng mạnh hôm trước, thị trường đang chịu chi phối mạnh bởi thông tin từ diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi nhận thấy biến động hiện nay đang tạo rủi ro lớn cho NĐT ngắn hạn, thay vào đó tạo ra cơ hội tích lũy dần các cổ phiếu có triển vọng tích cực dựa trên kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm
» Thị trường chứng khoán thế giới: Dow Jones tăng hơn 100 điểm sau tuyên bố từ Fed

Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Tư (29/07), khi nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất không đổi. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones tăng 160.29 điểm (tương đương 0.6%) lên 26,539.57 điểm.
» Giá dầu: Dầu khởi sắc khi nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay

Các hợp đồng dầu thô tương lai khởi sắc vào ngày thứ Tư (29/07), sau khi dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa sụt hơn 10 triệu thùng – giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, sự gia tăng bất ngờ trong nguồn cung xăng đã kìm hãm đà tăng của giá dầu khi nỗi lo về tăng trưởng nhu cầu chậm chạp thắng thế. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, dầu WTI tăng 0.6% lên 41.27 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.2% lên 43.75 USD/thùng.

Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa sụt 10.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/07/2020, cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 6.8 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo mất 1.2 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Đây cũng là tuần sụt giảm mạnh nhất của dự trữ tại Mỹ kể từ tuần giảm 11.5 triệu thùng kết thúc ngày 27/12/2019.
» Fed giữ nguyên lãi suất, nhận định tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so trước đại dịch

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 29/07 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0% và công bố triển vọng khiêm tốn về nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus corona.

Cùng với việc duy trì lãi suất ở mức thấp, FOMC cũng thể hiện cam kết tiếp tục mua vào trái phiếu cũng như thực hiện các chương trình cho vay và thanh khoản liên quan đến các biện pháp ứng phó với virus corona.

Theo dự kiến, sau khi công bố quyết định lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ tổ chức cuộc họp báo nhằm cập nhật quan điểm của Fed về nền kinh tế và các động thái bất thường mà cơ quan này đã áp dụng cho tới nay.
» Nga chuẩn bị phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 vào giữa tháng 8/2020

Các nhà khoa học Nga cho biết vắc-xin được phát triển nhanh chóng vì đây là một phiên bản điều chỉnh của một loại vắc-xin đã có trước đó và dùng để chống lại dịch bệnh khác. Đây là phương pháp tiếp cận ở nhiều quốc gia và công ty khác.
» Thêm 8 người Đà Nẵng, một người Hà Nội nhiễm nCoV

Bộ Y tế sáng nay ghi nhận 9 ca nhiễm nCoV, gồm 8 người Đà Nẵng, một Hà Nội, tổng số ca nhiễm lên 42 trong sáu ngày. Chín bệnh nhân này đều được ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm lên 459, trong đó 369 người đã khỏi, còn 90 bệnh nhân đang điều trị.
» Thủ tướng: Phải khống chế tốc độ lây nhiễm Covid-19

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hiện tại, dịch đã khác trước, đã lây lan trong cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được F0. Đây là diễn biến phức tạp, khó lường.

“Chỉ trong thời gian ngắn đã có 27 ca nhiễm, dịch lan ra 7 địa phương gồm Đà Nẵng và 6 địa phương khác, kể cả các thành phố lớn. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trước nhân dân, không được chủ quan, không được để vỡ trận”, người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Ông đề nghị ban chỉ đạo và các địa phương phải tuyên truyền lại theo các chế độ khác nhau một cách đầy đủ để người dân nâng cao cảnh giác
» Chủ tịch VSD: Hệ thống mới vận hành vào năm sau sẽ cho phép day-trading, giảm tỷ lệ ký quỹ thanh toán

Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng khẳng định hệ thống giao dịch công nghệ mới sẽ triển khai từ năm sau. VSD đang phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ thành lập Tổng công ty Lưu ký Bù trừ Chứng khoán Việt Nam hoạt động từ năm 2021. Chủ tịch VSD cho rằng triển khai các biện pháp hỗ trợ thanh khoản thị trường nhưng vẫn phải phòng tránh rủi ro, giữ thị trường phát triển ổn định và bền vững.
» Ngành ngân hàng: 557.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý, nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn giảm mạnh

Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, Đề án 1058 “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (theo Quyết định 1058) cũng như đưa ra những định hướng, biện pháp giải quyết trong thời gian tới.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng nhất trí cho rằng, sau 3 năm thực hiện, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã chuyển biến rất tích cực, có bước tiến lớn cả về quy mô tài chính, chất lượng tín dụng và chấn chỉnh, củng cố các mặt hoạt động. An toàn hệ thống tốt hơn, Đảng, Nhà nước và nhân dân yên tâm hơn. Nhiều chỉ tiêu quan trọng được cải thiện rõ rệt như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng 5%, tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm còn 1,63%, nếu gồm cả nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn thì cũng chỉ còn 4,43%.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành và xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo được tích cực triển khai. Thoái vốn thu về đến 2,2 nghìn tỷ đồng. Tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng chi phối cơ bản được khắc phục.Gần như toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng được chấn chỉnh, củng cố.

Đặc biệt, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trong đó tổng tài sản chiếm 42,8% và cho vay chiếm đến 47,9% toàn hệ thống. Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô được cơ cấu lại, hoạt động lành mạnh, góp phần hạn chết ín dụng đen.Xử lý nợ xấu đạt kết quả quan trọng. Đã xử lý được 557.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó các tổ chức tín dụng tự xử lý trên 76%. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng kể cả bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn giảm mạnh, từ 10,08% còn 4,43%
VIC: Vingroup LNTT 6 tháng đạt 6.085 tỷ đồng, mảng sản xuất đóng góp 1/6 tổng doanh thu

Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm.

Trong quý 2, Vingroup ghi nhận 23.200 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 41% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do không còn doanh thu từ hoạt động bán lẻ do đã chuyển giao hệ thống Vincommerce cho Masan Group cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.

Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 38.576 tỷ đồng – giảm 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng đáng kể từ 4.300 tỷ lên 15.600 tỷ đồng.

Vingroup cho biết doanh thu hoạt động sản xuất (VinFast, Vinsmart) tăng mạnh đã bù đắp một phần cho sự suy giảm. Nếu loại doanh thu lĩnh vực bán lẻ trong nửa đầu năm 2019 và giả định giao dịch bán buôn được ghi nhận vào doanh thu thuần để so sánh tương đương, doanh thu sáu tháng đầu năm 2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ mặc dù phải chịu nhiều ảnh hưởng do Covid -19.

Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 2.656 tỷ đồng, giảm 46% và lũy kế 6 tháng đạt 6.085 tỷ đồng, giảm 11%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế 6 tháng đạt 2.305 tỷ đồng, trong đó riêng quý 2 đạt 1.866 tỷ đồng – tăng 37% so với cùng kỳ.
GMD: Sau nhiều lần thoái vốn bất thành, VI Fund II lại đăng ký mua hơn 16 triệu cổ phần Gemadept

Quỹ ngoại VI (Vietnam Investments) Fund II L.P vừa thông báo đăng ký mua hơn 16,5 triệu cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức đặt lệnh trên sàn chứng khoán, giao dịch thỏa thuận hoặc các phương thức khác từ 4/8 đến 29/8/2020.

Hiện tại VI Fund II đang sở hữu hơn 42,86 triệu cổ phần tương ứng 14,44% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept.
GVR: Mảng cao su sụt giảm, lợi nhuận Tập đoàn Cao su giảm 31% trong quý 2/2020

CTCP Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu thuần 3.316 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mảng kinh doanh mủ cao su khi chỉ đem về doanh thu 1.751 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và là nguyên nhân chính khiến doanh thu GVR sụt giảm. Ở chiều ngược lại, mảng kinh doanh BĐS, cơ sở hạ tầng lại mang về doanh thu tăng hơn 2 lần, đạt 224 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, GVR ghi nhận 513,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2020, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, GVR đạt 850 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 20% so với cùng kỳ 2019.
GTN: GTNfoods lãi ròng quý II gấp 6 lần cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp lên 26,5%

GTNfoods công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu giảm 10% về 735 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp vẫn tăng 66% đạt gần 195 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó cải thiện lên mức 26,5%.

Doanh thu tài chính tăng 58% lên 42 tỷ đồng và chi phí quản lý được tiết giảm 27%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh 75% lên 154 tỷ đồng. Kết quả, công ty có lãi hơn gấp đôi cùng kỳ đạt trên 48 tỷ đồng. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ gấp 6 lần cùng kỳ đạt 23,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng lên là nhờ công ty mẹ nhận toàn bộ cổ tức từ Vilico và lợi nhuận công ty con gián tiếp Mộc Châu Milk đều tăng lên. Riêng tại Mộc Châu Milk, Ban điều hành chủ trương tập trung vào mảng cốt lõi kinh doanh sữa, thay đổi các chính sách quản lý doanh nghiệp, đưa ra những định hướng phù hợp để đạt mức tăng trưởng tốt nhất.

Đỗ Anh Tuấn

Add comment

error: Content is protected !!