Thực Đơn Tài Chính
Tin Tức Thị Trường

Tin Tức Thị Trường Ngày 31/07/2020

» Thị trường Việt Nam: Miễn cưỡng tăng hơn 10 điểm nhờ họ Vingroup, VN-Index vượt 800

Dấu hiệu cân bằng đã giúp tâm lý NĐT tỏ ra lạc quan hơn, VN-Index ghi nhận sự khởi đầu suôn sẻ với mức tăng hơn 6 điểm, lên 796,22. VN-Index sau đó dao động quanh mức 794 –796 cùng với diễn biến chốt lãi khi giá tăng của NĐT, nhìn chung diễn biến này tỏ ra cân bằng nhưng thanh khoản ởmức thấp. VN-Index tăng mạnh hơn trong phiên chiều, chạm mức cao nhất trong ngày là 803, tăng hơn 11 điểm và kết thúc phiên tại 801,13, tăng 13,29 (1,3%). Thanh khoản ghi nhận mức thấp nhất từ tháng 4 đến nay với tổng giá trị hơn 3.700 tỷđồng.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều mã cổ phiếu đã chạm mức cao nhất trong ngày trong phiên sáng, diễn biến lạc quan của phiên chiều chịu ảnh hưởng lớn bởi nhóm Vingroup với VHM +3,5% và VIC +1,9%, 2 mã này ảnh hưởng gần 4 điểm lên VN-Index. Hai bluechips khác cũng tác động lớn đến VN-Index hôm nay là VNM và GAS khi ảnh hưởng lần lượt 1,49 điểm và 1,09 điểm.

Khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp tuy nhiên giá trị đã giảm mạnh về mức 17 tỷ đồng trên cả 3 sàn. VNM và VHM là 2 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 39,3 tỷ đồng và 30,1 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HCM dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị 28,6 tỷ đồng. Diễn biến hồi phục của VN-Index đang thiếu yếu tố hỗ trợ quan trọng là thanh khoản. Mức khớp lệnh chỉ hơn 2.500 tỷ đồng trên HSX trong phiên hôm nay ghi nhận mức thấp mới từ tháng 6/2020 đến nay khi thị trường bắt đầu xu hướng giảm điểm. Dòng tiền rút đi nhanh tạo rủi ro lớn cho diễn biến ngắn hạn cua VN-Index.
» Thị trường chứng khoán thế giới: DowJones hạn chế mức giảm trong phiên hôm qua nhờ cổ phiếu công nghệ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,85%, tương đương 225 điểm, tuy nhiên trước đó đã giảm 547 điểm xuống mức thấp trong ngày. Nasdaq Composite đã tăng 0,43% và S & P 500 giảm 0,34%.

Trước các báo cáo thu nhập, một số người ở Phố Wall đang đặt cược rằng kết quả hàng quý sẽ tiếp tục cho thấy các hãng công nghệ lớn đã được hưởng lợi từ môi trường hiện tại.
» Giá dầu: Giá dầu ở Mỹ giảm xuống dưới 40$ do gia tăng lo ngại rằng nhu cầu sụt giảm

Giá dầu chuẩn của Mỹ giao dịch dưới 40 USD/ thùng vào thứ năm, dưới mức hỗ trợ quan trọng tồn tại lâu dài trên thị trường, khi các nhà đầu tư tập trung vào những lo ngại về nhu cầu do Covid-19 gây ra.

Giá dầu thô WTI, mức giá chuẩn dầu thô của Mỹ, đã giảm 1,35 USD, tương đương 3,3%, ở mức 39,92 USD/thùng. Dầu thô WTI lần đầu tiên chạm mức dưới 40 USD kể từ ngày 9 tháng 7 và đánh dấu lần giảm lớn nhất kể từ ngày 11 tháng 6.

Giá dầu thô Brent giao dịch tại London, mức giá chuẩn của dầu thô toàn cầu, đã đóng cửa phiên New York giảm 50 cent, tương đương 1,1%, ở mức 43,25 USD.
» GDP Mỹ rớt 32.9% trong quý 2, giảm khủng khiếp nhất trong lịch sử

Số liệu này còn cho thấy thiệt hại kinh tế từ các lệnh phong tỏa và ở nhà từ chính phủ Mỹ nhằm ngăn Covid-19 lây lan. Số việc làm, chi tiêu dùng và sản xuất phần nào cải thiện khi Mỹ tái mở cửa nền kinh tế trong tháng 5 và nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ. Tuy nhiên, đà phục hồi đang bị hạn chế bởi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại.

Kinh tế Mỹ dự báo phục hồi chậm hơn những nơi khác, kiểm soát Covid-19 tốt hơn, như châu Âu. Covid-19 càng kéo dài mà chưa có vắc xin, kinh tế Mỹ càng khó trở lại như trước đại dịch, để lại những “vết sẹo vĩnh viễn” với nhiều doanh nghiệp và người lao động”.
» Sáng 31/7 ghi nhận thêm 45 ca mắc mới COVID-19, tất cả đều ở Đà Nẵng

45 bệnh nhân có độ tuổi từ 27-87 tuổi, trong đó có: 33 trường hợp tại Bệnh viện Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Khách sạn thu dung cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng – quận Sơn Trà, 2 trường hợp tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
» Bất động sản nghỉ dưỡng hụt hơi vì làn sóng Covid-19 mới

Khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẵn sàng hủy hoặc tạm hoãn các kế hoạch du lịch. Mọi người sẽ có xu hướng tránh các khu vực đông người như sân bay hay nhà hàng, quán bar cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Hoạt động của ngành hàng không nội địa sẽ chững lại trong vài tuần tới đồng thời lượt khách du lịch nội địa cũng sẽ bị sụt giảm đáng kể. Nguồn doanh thu từ việc tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ bị ảnh hưởng khi các sự kiện lớn cũng có thể bị hủy hoặc dời lại.
» Ngành giao thông: Nỗ lực giải ngân 100% vốn đầu tư công

Bộ GTVT phải tập trung giải ngân hết vốn đầu tư công, đồng thời nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút hiệu quả nguồn vốn xã hội vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Nói về khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, “nút thắt” vẫn là công tác giải phóng mặt bằng.
» Chứng khoán khó rơi sâu với Covid-19 lần hai

Làn sóng Covid-19 thứ nhất đã thổi chỉ số VN-Index bay hơn 300 điểm trong thời gian ngắn, làn sóng dịch bệnh thứ hai được nhận định sẽ không tác động mạnh đến thị trường.

Tuần vừa qua, TTCK Việt Nam ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đáy tháng 3 cho tới nay, mức giảm 4,92% đã đưa Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.

“So với lần bùng phát dịch lần thứ nhất, diễn biến của TTCK ở thời điểm hiện tại sẽ không bi quan như vậy và mở ra cơ hội đầu tư mới khi thị trường giảm mạnh”, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, AGR nhận định và cho biết, có cơ sở để thị trường vững tâm hơn.
» MWG: Giải phóng tồn kho, lượng tiền của MWG vọt lên gần 11.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính quý II, doanh thu thuần giảm nhẹ 1% còn 26.286 tỷ. Tuy nhiên lợi nhuận gộp vẫn tăng 21% lên 5.770 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 22%.

MWG cho biết trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhóm sản phẩm có biên lợi nhuận gộp tốt như gia dụng, phụ kiện, đồng hồ, thực phẩm và hàng tiêu dùng; đồng thời cũng đa dạng hóa danh mục sản phẩm với nhiều lựa chọn và mức giá hợp lý.

Trong quý vừa qua, nhiều yếu tố tác động xấu đến lợi nhuận như doanh thu tài chính giảm 42%. Chi phí bán hàng tăng mạnh 18% và chi phí quản lý tăng 156%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 17% xuống 894 tỷ đồng.

Công ty cho biết lợi nhuận giảm do việc gián đoạn hoạt động tại hàng trăm cửa hàng trong tháng 4 để phối hợp chống dịch, việc đóng 30% cửa hàng cũng đúng tháng cao điểm kinh doanh hàng năm. Trong khi đó các chi phí hoạt động trọng yếu dù được điều chỉnh nhưng không thể cắt giảm hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội đã tác động đáng kể đến lợi nhuận.
» CTR: Công trình Viettel lãi nửa đầu năm đạt 98 tỷ đồng, tăng 28%

Lũy kế nửa đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 2.696 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 98 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 28% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ vận hành khai thác nhà trạm và UCTT vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu với 59%, tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước. Doanh thu giải pháp tích hợp và bán hàng thương mại tăng 131% lên 480 tỷ đồng trong khi doanh thu xây lắp giảm 15% xuống 592 tỷ đồng

Tài sản dài hạn tăng 69% lên 528 tỷ đồng, chủ yếu tăng tài sản cố định. Trong kỳ, công ty đã chi hơn 250 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải, truyền dẫn.

Nợ phải trả của doanh nghiệp tăng thêm 562 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu tăng trong phải trả người bán ngắn hạn, phải trả người lao động, chi phí phải trả ngắn hạn. CTR hoàn toàn không có nợ vay.
» SBT: Niên độ 2019 – 2020, TTC Sugar vượt 18% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận

NĐ 2019-2020, lợi nhuận gộp của công ty đạt 1.403 tỷ đồng, tăng 61% cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp có cải thiện và đạt 11%. Kết quả này có được là do công ty đã có những chính sách phù hợp, kiểm soát tốt chi phí đầu vào, đặc biệt tận dụng được lợi thế từ ATIGA với lượng nguyên vật liệu đầu vào giá cạnh tranh hơn. Trong NĐ qua, cả chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều giảm lần lượt 13% và 26%. Tỷ trọng chi phí bán hàng/DTT vẫn được giữ ổn định ở mức 3,6%. Việc nỗ lực tiết giảm chi phí của ban lãnh đạo TTC Sugar là tiền đề để công ty có thể tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực sau khi gia nhập ATIGA.

Sản lượng tiêu thụ lần đầu tiên vượt 1 triệu tấn đường trong niên độ vừa qua.

TTC Sugar cũng đẩy mạnh phát triển điện mặt trời áp mái tại tất cả các đơn vị thành viên.
» DXG: Cổ phiếu DXG xuống dưới mệnh giá, Dragon Capital giảm tỉ lệ sở hữu tại Đất Xanh

Theo báo cáo, sau giao dịch tổng số lượng cổ phiếu của nhóm Dragon Capital sở hữu giảm từ 94,28 triệu cp (tương tương 18,17% vốn điều lệ) xuống 93,18 triệu cp (17,96%).

Trên báo cáo tài chính của Đất Xanh, khoản đầu tư 36,72% vốn điều lệ Đầu tư LDG có giá trị ghi sổ là 1.079 tỉ đồng, tương đương mức giá hơn 12.250 đồng/cp. Với mức giá giao dịch như trên, ước tính Đất Xanh lỗ hơn 530 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào LDG.

Đỗ Anh Tuấn

Add comment

error: Content is protected !!