Thực Đơn Tài Chính
Tin Tức Thị Trường

Tin Tức Thị Trường Ngày 12/08/2020

» Thị trường Việt Nam: Giằng co quanh vùng giá tham chiếu

Thị trường trải qua phiên giao dịch giằng co khi cung cầu khá thận trọng đẩy thanh khoản trong phiên hôm nay ởmức khá thấp. Có những thời điểm VN-Index điều chỉnh khá sâu nhưng lực cầu tích cực đã giữ VN-Index kết thúc quanh vùng giá tham chiếu. Đối lập, sàn HNX bất ngờtăng hơn 2,3% nhờ đà tăng hơn 6% của ACB.

Nhóm ngân hàng (ACB, LPB, STB, CTG, MBB, VPB, VIB, TCB, HDB) có một ngày giao dịch tăng điểm tích cực, dẫn dắt dòng tiền trong ngày. Đối lập, nhóm thực phẩm & đồ uống (KDC, HNG, FMC, SAB, CMX), điện (POW, NT2, PPC, HND) tiêu biểu ở chiều giảm điểm.

Khối ngoại bán ròng với giá trị đạt 117 tỷ đồng, phân bổ ở các mã: VHM (30 tỷ), HPG (19 tỷ), VRE (14 tỷ), VNM (11 tỷ), DXG (10 tỷ), NLG (9 tỷ), TDM (7 tỷ) và HSG (7 tỷ).

SSI có phiên tăng điểm hơn 2%, chốt tại 14.700 đ/cp với 5,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng. SSI đang ở mức đóng cửa cao nhất trong hơn 2 tuần.

DHC cũng có đà quay đầu phục hồi gần 2%, đóng cửa ở 44.800 đ/cp với 2,1 triệu đơn vị được giao dịch. Trong đó, khối ngoại vẫn đang duy trì nhịp mua ròng tích cực tại DHC.

Mặc dù có phiên điều chỉnh giảm nhẹ sau 7 phiên liên tiếp tăng điểm, nhưng xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index vẫn không thay đổi.
» Thị trường chứng khoán thế giới: S&P 500 nhuốm sắc đỏ lần đầu tiên trong 8 phiên

Chỉ số S&P 500 quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Ba (11/08), đứt mạch 7 phiên tăng liền, khi đà sụt giảm của một số cổ phiếu công nghệ lớn trầm trọng hơn vào cuối phiên giao dịch. Thị trường chứng khoán đã dao động mức cao mọi thời đại mới trước khi bán tháo vào cuối ngày.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 lùi 0.8% xuống 3,333.69, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 23/07/2020. Hồi đầu phiên, chỉ số này đã tăng 0.6% và chỉ còn cách 0.5% so với mức cao kỷ lục trong phiên là 3,393.52 điểm đã xác lập vào ngày 19/02/2020.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng rớt 1.7% xuống 10,782.82 điểm. Chỉ số Dow Jones đã xóa sạch đà tăng hơn 300 điểm và cuối phiên mất 104.53 điểm (tương đương 0.4%) còn 27,686.91 điểm.

Trong khi có sự hoài nghi về việc liệu Nga có phát triển vắc-xin an toàn nhanh chóng đến vậy hay không, thông tin này đã mang đến sự lạc quan cho nhà đầu tư về cuộc chạy đua tiêm chủng và có lẽ rằng thị trường không định giá một loại vắc-xin có thể sẵn sàng nhanh như thế nào.

Nhà đầu tư vẫn đối mặt với số phận bất ổn của gói kích thích bổ sung mùa dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ người dân Mỹ đang khó khăn trong đại dịch.
» Giá dầu: Dầu quay đầu giảm nhẹ

Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu suy giảm vào ngày thứ Ba (11/08) vì các nhà đầu tư cần bù đắp lợi nhuận biên sau đà lao dốc trên thị trường kim loại quý, nhưng kỳ vọng nguồn cung dầu tại Mỹ thắt chặt đã kìm hãm đà suy giảm của giá dầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex lùi 33 xu (tương đương 0.8%) xuống 41.61 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn mất 49 xu (tương đương 1.1%) còn 44.50 USD/thùng
» Nga trở thành nước đầu tiên đăng ký vắc xin chống Covid-19, Tổng thống Putin tiết lộ con gái đã được tiêm

Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quốc gia này đã tạo ra loại vắc xin chống Covid-19 đầu tiên trên thế giới đồng thời tiết lộ con gái ông đã sử dụng nó. Vắc xin sẽ được tiêm miễn phí cho người dân Nga.

Với công bố mới nhất, Nga đã vượt Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trong việc phát triển một loại vắc xin ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Nếu chứng minh được hiệu quả, vắc xin của Nga không chỉ giúp ngăn chặn virus lây lan mà còn tạo ra sự ổn định, góp phần quan trọng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.
» Chuyên gia: CPI năm nay có tăng cao cũng không quá 4%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng đầu năm tăng 4,07%, chủ yếu do giá xăng dầu và thịt lợn tăng mạnh, nhưng nhiều chuyên gia dự báo CPI năm nay tăng cao nhất cũng vẫn dưới 4%, như chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, giá xăng dầu hồi phục chỉ mang tính kỹ thuật vì tình hình kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn suy thoái khiến sức cầu dầu thô tương đối yếu. Đồng thời, giá thịt lợn trong nước và nhập khẩu cũng đã chạm trần nên khó tăng thêm hoặc có thể xảy ra biến động trong những tháng cuối năm.
» Ngân hàng tiếp tục cơ cấu nợ để đi cùng doanh nghiệp

Ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc “chia lửa” với khách hàng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu hồi đầu năm, nhưng khi thời gian tái cơ cấu nợ chưa hết thì làn sóng dịch bệnh thứ 2 tái diễn, gắn chặt hơn mối quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp.

Thực tế, sau hơn 3 tháng đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19, việc dư nợ tăng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đã tác động đến doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng.

Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng xác định, việc nỗ lực tái cơ cấu nợ là cách để kiểm soát nợ xấu bùng phát trong giai đoạn dịch bệnh. Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, việc dịch bệnh tái bùng phát khiến doanh nghiệp thêm điêu đứng, nên khả năng sẽ phải kéo dài thời gian trả nợ cho khách hàng.
» Vắc xin Covid-19 ‘made in Việt Nam’ dự kiến thử nghiệm cuối năm nay

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 11.8 cho biết, Việt Nam hiện có 4 đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19 cho kết quả khả quan.

Theo Bộ Y tế, song song với nghiên cứu thử nghiệm là thành lập quy trình sản xuất quy mô công nghiệp, số lượng lớn, sẽ tăng công suất từ 3 triệu liều lên 6 – 10 triệu liều và hàng trăm triệu liều/năm. Cả nước có 3 trung tâm thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 tại 3 miền, các kết quả thử nghiệm là cơ sở để sản xuất vắc xin Covid-19 tại Việt Nam. Dự kiến, cuối năm 2021 sẽ có vắc xin Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
» Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, công nhân, các thành phần lao động khác thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử…

Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư tại các nước EU nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng điểm.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU, và mở ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo Hiệp định, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85.6% số dòng thuế, tương đương 70.3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99.2% số dòng thuế, tương đương 99.7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0.3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
» MPC: Minh Phú báo lãi ròng quý 2 gấp 2.5 lần cùng kỳ

Điểm nhấn trong kết quả kinh doanh kỳ này là doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 64%. Trong đó, lãi từ chênh lệch tỷ giá chiếm hơn một nửa tổng doanh thu tài chính.

Khép lại nửa năm 2020, MPC ghi nhận lãi ròng tăng 51%.Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của MPC ghi nhận hơn 9,393 tỷ đồng, tăng 16% so với con số đầu năm.

Đáng chú ý, hàng tồn kho ghi nhận gần 4,139 tỷ đồng, tăng mạnh 72% so với đầu năm với thành phẩm, hàng hóa chiếm 91%, ghi nhận gần 3,754 tỷ đồng.
» KDC: KIDO thực hiện chia cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 16%
Theo báo cáo tài chính quý II/2020 mới đây, Kido ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 17%, biên lợi nhuận gộp giảm 9%, các chi phí đều giảm, trong đó chi phí bán hàng giảm 23% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế KDC tăng 15,5%.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu là do tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dầu. Doanh thu từ ngành dầu chiếm 81% doanh thu toàn Tập đoàn, ngành lạnh chiếm 18% và các ngành khác chiếm 1%.

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2020 tăng 17,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng 14%.

Theo Lãnh đạo KDC, năm 2020 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Tập đoàn, là năm Tập đoàn KIDO thâm nhập vào ngành snacking, với sản phẩm tiên phong là bánh trung thu sẽ được ra mắt vào quý III/2020 dưới tên thương hiệu Kingdom. Theo kế hoạch, ngành snacking sẽ có đóng góp tích cực vào doanh thu của Tập đoàn trong năm 2020.
» SCB: 7 tháng, Sacombank thực hiện được 63% kế hoạch lợi nhuận 2020

6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sacombank đã quyết liệt triển khai đồng bộ mọi giải pháp nhằm vừa đảm bảo duy trì ổn định hoạt động ngân hàng và bám sát các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu, vừa đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đến 30/06/2020, Sacombank cho biết, đã cơ cấu nợ cho trên 1.000 khách hàng với dư nợ trên 7.300 tỷ đồng. Miễn giảm lãi cho gần 700 khách hàng với dư nợ trên 5.100 tỷ đồng.

Ước tính lợi nhuận cả năm sẽ giảm khoảng 1.000 -1.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sacombank cho biết, sẽ phấn đấu để đạt mức lợi nhuận cả năm 2020 vượt 20% so với mục tiêu đã được ĐHĐCĐ giao phó.

Đỗ Anh Tuấn

Add comment

error: Content is protected !!